Chạy bộ là một môn thể thao đơn giản, không chỉ giúp cơ thể bạn rắn chắc hơn, tạo sức bền mà còn giúp tăng khả năng miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật, thích hợp cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, có rất nhiều người gặp phải tình trạng đau khớp cổ chân khi chạy bộ. Vậy nguyên nhân do đâu?
1. Các nguyên nhân gây đau cổ chân khi chạy bộ
Hiện tượng đau cổ chân khi chạy bộ được xem là tình trạng khá phổ biến và là nỗi ám ảnh khi bạn tập luyện môn thể thao này, dù bạn chạy bộ bằng máy tập chạy bộ hay đơn giản là chạy bộ ngoài trời.
1.1. Do không sử dụng giày khi chạy hoặc sử dụng giày sai cách
Nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ tới khi xuất hiện tình trạng đau cổ chân khi bạn chạy bộ đó là do chiếc giày. Giày là vật dụng không thể thiếu khi bạn tham gia bất kỳ môn thể thao trên mặt đất nào và chạy bộ thì giày lại càng có vai trò quan trọng.
Đôi giày giúp bảo vệ đôi chân của bạn tránh khỏi những tổn thương không đáng có, vì vậy nếu bạn không sử dụng giày khi chạy bộ thì đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đau cổ chân khi chạy bộ.
Việc lựa chọn giày chạy bộ hay cách sử dụng giày đúng cách khi chạy cũng là điều đáng chú ý. Bạn nên lựa chọn những đôi giày vừa chân, không quá chật cũng như quá lỏng, có sức bật tốt và đế nhẹ.
Nếu như bạn lựa chọn đôi giày quá lỏng sẽ làm cho bề mặt giày ma sát với chân thường xuyên gây trầy da, bong tróc da. Còn nếu đi giày quá chặt sẽ làm chèn ép mạch máu lưu thông đến cổ chân, làm cho bàn chân và cổ chân bạn bị đau. Bên cạnh đó, việc buộc dây giày sai cách cũng có thể là nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau cổ chân khi chạy bộ.
1.2. Do không khởi động trước khi chạy
Yêu cầu cơ bản và tiên quyết nhất khi bạn tập luyện bất kỳ một môn thể thao nào đó là cần phải khởi động. Bận cần khởi động trước khi chạy, dù là bạn có đang tập luyện ngoài đường hay tập với máy chạy bộ.
Việc khởi động trước khi chạy sẽ giúp cho máu lưu thông đến các cơ quan, các khớp xương được co giãn, ngăn chặn tình trạng chuột rút. Vì vậy, nếu bạn không khởi động chân tay trước khi chạy thì cổ chân bị co giật, gây đau đớn sẽ sớm xuất hiện.
1.3. Do bạn tập luyện không điều độ
Nguyên nhân tiếp theo gây ra tình trạng đau cổ chân khi chạy bộ đó chính là chế độ tập luyện không điều độ. Khi bạn chạy quá ít hay chạy quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cổ chân, đặc biệt khi chạy quá nhiều thì hệ dây chằng ở cổ chân phải làm việc quá sức, gây ra tình trạng đau nhức, co rút.
1. 4. Do chấn thương phần xương cổ chân
Đau cổ chân khi chạy không chỉ xuất hiện bởi các tác nhân ý thức hay sự thay đổi trong cơ thể bạn mà còn có thể xuất hiện khi bắt gặp những tổn thương bên ngoài. Một trong những tổn thương hay mắc phải đó là phần cổ chân bạn bị tổn thương trước kia, có thể do trật hay gãy. Cổ chân là vị trí chịu lực nhiều và rất dễ bị tác động, vì vậy dù bạn tập luyện nhẹ hay nặng thì đều có thể gây đau nhức cổ chân.
1. 5. Do tuổi tác
Nếu bạn để ý sẽ nhận thấy khi càng lớn tuổi thì tình trạng đau cổ chân khi chạy sẽ xuất hiện với tần suất cao hơn so với những người trẻ tuổi. Bởi vì càng lớn tuổi thì hệ xương khớp càng kém đi, thoái hóa khớp, dịch nhầy ở các khớp xương sẽ ít đi, vì vậy việc xuất hiện tình trạng đau cổ chân khi chạy bộ là điều đương nhiên.
1. 6. Do hội chứng ống cổ chân
Tình trạng đau mỏi cổ chân khi chạy bộ có thể là một biểu hiện của một số bệnh lý xương khớp. Hội chứng ống cổ chân do dây chằng hoặc dây thần kinh quanh khớp cổ chân bị chèn ép gây đau mãn tính tại đây. Tình trạng này cũng có thể gây đau cổ chân khi bạn vận động nhiều như chạy bộ.
1. 7. Do bong gân
Bong gân là tình trạng dây chằng quanh khớp cổ chân bị giãn rộng hoặc rách. Khi bị bong gân, cùng với cảm giác đau, chân bạn thường bị sưng nề, bầm tím và đau khi vận động cổ chân như chạy, nhảy.
1. 8. Do viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân có thể là hậu quả của việc thoái hóa phần sụn khớp gây ra tình trạng đau mỏi cổ chân. Tình trạng đau thường tăng lên khi bạn vận động như khi đi lại, chạy, nhảy.
2. Đau cổ chân khi chạy bộ, khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện tình trạng đau mỏi cổ chân khi chạy bộ, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu:
- Cơn đau kéo dài trên ba ngày.
- Bạn không thể chạy bộ sau khi nghỉ ngơi một tuần.
- Mắt cá chân hoặc cổ chân bị tê bì hoặc không ổn định.
- Bạn có các triệu chứng nhiễm trùng như mắt cá chân rất đỏ, hay các vết đỏ kéo dài từ vị trí chấn thương.
- Cổ chân của bạn đã từng bị thương nhiều lần trước đó.
- Lập kế hoạch tập luyện khoa học, cần tăng dần cường độ chạy bộ một cách từ từ để cơ thể của bạn có thể làm quen và thích nghi với cường độ tập luyện, tránh những tổn thương ngoài ý muốn.