Cây bạch hoa xà thiệt thảo là dược liệu được dùng trong các bài thuốc Y học cổ truyền với nhiều công dụng như thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp và tán ứ. Hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm và tác dụng của cây bạch hoa xà thiệt thảo qua bài viết dưới đây nhé.
1. Đặc điểm cây bạch hoa xà thiệt thảo
Cây bạch hoa xà thiệt thảo hay còn gọi là an điền bò, có tên khoa học là Hedyotis diffusa Willd, thuộc họ Rubiaceae (Cà phê), có những đặc điểm như sau:
Cây thảo mọc bò, dài 20 – 25cm, thân vuông màu nâu nhạt, cành lá sum sê. Lá cây mọc đối, hình mác thuôn, dài 1 – 3,5cm, rộng 1 – 3cm, gốc và đầu lá nhọn, mặt trên nhẵn hoặc hơi nháp, mặt dưới có màu xám nhạt, gân giữa nổi rõ, các lá kèm có răng nhỏ ở đầu.
Hoa màu trắng, ít khi có màu hồng, có cuống, mọc đơn độc hoặc theo đôi một ở kẽ lá. Lá đài hình mác, ống tràng dài 1,5mm, bầu có hai ô đựng nhiều noãn, đầu nhụy chia đôi.
Quả khô, đầu bằng, bao bọc bởi những lá đài, nhiều hạt màu nâu nhạt.
Cây bạch hoa xà thiệt thảo dễ nhầm lẫn với các cây lưỡi rắn – Vương thái tô, cây xương cá, cây an điền (Oldenlandia corymbosa L., Hedyotis corymbosa (L.) Lamk.) cùng họ.
Bộ phận dùng: Toàn cây, thu hái vào mùa hè, thu, rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô.
Khu vực phân bố:
Chi Hedyotis L. gồm hầu hết là cây thân thảo, sống một năm hay lâu năm. Chỉ một số ít loài là cây bụi nhỏ, cành cây vươn dài, mọc bò hay dựa vào giá thể leo. Chúng phân bố rộng khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nơi tập trung nhiều loài nhất của chi này có lẽ là vùng nhiệt đới châu Á. Riêng vùng Đông Nam Á, đã có tới hơn 10 loài cây được sử dụng làm thuốc.
Ở Việt Nam, có khoảng 60 loài chi Hedyotis L., trong đó bạch hoa xà thiệt thảo là loài phân bố phổ biến. Tuy nhiên, ở các tỉnh trung du Bắc Bộ và ven biển miền Trung thường gặp nhiều hơn các tỉnh khác.
Cây còn phân bố ở nhiều nước khác như Srilanka, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và vùng phía nam Trung Quốc. Bạch hoa xà thiệt thảo là cây ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc rải rác hoặc thành từng đám ở ven đường, vườn, nhất là ở các gò đất cao và ruộng trồng màu ở vùng trung du. Hàng năm, cây con mọc lên từ hạt, sinh trưởng và phát triển nhanh vào mùa hè. Sau khi ra hoa quả, toàn cây lụi tàn vào giữa mùa thu.
Hạt cây bạch hoa xà thiệt thảo tồn tại 5 – 6 tháng qua mùa đông và phải gần hết mùa xuân năm sau mới nảy mầm.
Bạch hoa xà thiệt thảo mọc trong tự nhiên khá phong phú. Tuy nhiên muốn chủ động nguồn nguyên liệu làm thuốc thì vẫn phải trồng. Cây trồng bằng hạt vào mùa xuân hoặc đầu hè và có thể thu hoạch sau 3 – 4 tháng.
Cây bạch hoa xà thiệt thảo có thành phần hóa học là các osid như scandosid methyl ester, asperulosid, methyl ester, 6.0.p coumaroyl scandosid, 6.0. feruscandosid methyl ester, 6.0. p.coumaroylscarđosid methyl ester, các acid asperulosidic, oleanolic, deacetyl – asperulosidic, p.coumaric, p. sitosterol, stigmasterol và sitosterol – o – glucose.
2. Tác dụng của cây bạch hoa xà thiệt thảo
Tác dụng dược lý:
Theo y học hiện đại, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng ức chế tế bào ung thư lympho, bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và ức chế hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo ra khi dùng chủng vi khuẩn Salmonella typhymurium TA 100 làm thí nghiệm. Ngoài ra cây còn có khả năng điều hòa miễn dịch và chống viêm do khả năng thực bào của hệ thống lưới – nội mô của tế bào bạch cầu.
Theo Y học cổ truyền:
Bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, đắng, tính hàn, quy vào kinh vị, đại trường, tiểu trường, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tán ứ và chống u. Từ đó cây có các công dụng sau:
Ở nước ta từ thời Tuệ Tĩnh cây còn được dùng để chữa rắn cắn, sởi đậu.
Ở Trung Quốc, bạch hoa xà thiệt thảo được dùng làm thuốc chống viêm, chữa hen suyễn, phế nhiệt, viêm amydal, viêm họng, viêm đường tiết niệu và viêm vùng chậu. Thuốc dùng ngoài, giã nát đắp tại chỗ để chữa vết thương, côn trùng đốt, rắn cắn, đau lưng, đau khớp. Ngoài ra có thể sử dụng trong điều trị bổ trợ ung thư dạ dày, trực tràng và ung thư gan thời kỳ đầu.
Ở Ấn Độ, bạch hoa xà thiệt thảo giúp chữa sốt, bệnh gan mật, vàng da, lậu. Liều dùng: sắc uống 15 – 60g/ngày.
Chú ý: Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.
3. Cây bạch hoa xà thiệt thảo chữa bệnh gì?
Bạch hoa xà thiệt thảo thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Liều lượng thuốc khô có thể tới 60g, tương đương với khoảng 250g dược liệu tươi. Thuốc dùng ngoài thì không kể liều lượng.
Ở nước ngoài, bạch hoa xà thiệt thảo còn được bào chế dưới dạng thuốc tiêm để hỗ trợ điều trị ung thư và viêm nhiễm như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột thừa.
Cây bạch hoa xà thiệt thảo được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh như sau:
Viêm thận cấp có phù, có albumin niệu: Bạch hoa xà thiệt thảo 15g, xa tiền thảo 15g, sơn chi tử 9g, mao cân 30g, tô diệp 6g sắc thuốc uống.
Viêm ống mật, sỏi mật: Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, nhân trần 30g, kim tiền thảo 30g.
Mụn nhọt, sưng đau vết thương: sắc uống bạch hoa xà thiệt thảo 30 – 60g, tương đương với 125 – 250g dược liệu tươi.
Trẻ em bị sốt, co giật, khó ngủ: giã nát bạch hoa xà thiệt thảo tươi, vắt lấy nước, uống ngày 2 – 3 lần, mỗi lần một thìa canh.
Thuốc tiêm bạch hoa xà thiệt thảo: Thể tích 2ml/ống, dung dịch trong vàng thẫm, tiêm bắp 2 – 4ml/lần x 2 lần/ngày, dùng chữa viêm đường hô hấp trên, viêm amydal, viêm phổi, viêm ruột thừa, viêm túi mật và trong điều trị ung thư.
Một số tình trạng sức khỏe cũng có thể không thích hợp khi sử dụng bạch hoa xà thiệt thảo. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hay thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng để sử dụng an toàn và phát huy cao hiệu quả điều trị.